Một bức ảnh được chụp với Leica cũng vậy, nó là sự kết hợp của kính phân cực và kính lúp: tương phản cao, chi tiết tuyệt vời ở những điểm mà tôi thích, sự chuyển cảnh mềm mại ở những khu vực rìa không phải chủ thể của bức ảnh, và tôi không cần phải tốn nhiều công sức để cảm nhận toàn bộ những dải màu tuyệt vời trên toàn khung hình. Tất cả những điều này làm cho bức ảnh có cảm giác không gian 3 chiều, làm cho chúng ta có cảm giác bạn chỉ cần đưa tay cũng có thể chạm tới chủ thể.
Điều này tôi đã ứng dụng rất nhiều trong chuyến đi Tây Tạng của tôi, một chuyến đi còn giàu cảm xúc khác biệt hơn nữa so với chuyến đi Ấn Độ, biết nói như thế nào, cảm xúc của tôi nó như cảm xúc của Ngài Ma Ha Ca Diếp vậy. Khi mà “Như Lai niêm hoa”. Đúng chuẩn luôn những gì tôi nghĩ. Trước khi đi thì tôi cũng đủ kiến thức tìm hiểu về Kim Cương thừa và vẻ đẹp – sự lôi cuốn – huyền bí của Tây Tạng. Về sự tái sinh của các Đạt lai lạt ma, những ngôi tự viện đang giữ hàng ngàn các bức tranh Thangka quý giá, hàng ngàn những kinh điển Phật giáo, bí mật của núi thiếng Kailash đang ẩn giấu một kho thư tịch cổ đại
Trong lúc lên cung điện Potala, trời trong xanh quá, cành cây này thật đẹp và hoa nắng cùng Bokeh của Leica sẽ thật tuyệt với khuôn hình này. Ống kính Leica tạo ra hiệu ứng bokeh rất dễ chịu với mắt, những điểm sáng thì tạo nên những hình tròn hay tương đối tròn với màu sắc đồng đều khi chụp ở khẩu lớn nhất. Số lá khẩu thì Leica có 9 còn các máy khác ít hơn, nên Leica tròn hơn chăng?!, tôi cũng không biết, nhưng Leica nó chụp bức ngược sáng này không bị viền tím và nó rất là đẹp.
Hay trong tấm hình này, nó chụp ngược sáng mà vẫn luôn giữ được các chi tiết và dải màu ở vùng Bokeh, đặc biệt là vùng Highlight. Các ống kính chất lượng thấp thì thường làm bệt và mất chi tiết các vùng highlight rất dễ dàng. Các ống kính từ Leica quả thật có một công thức đặc biệt để tạo nên Dynamic Range rất cao trong những sản phẩm của mình.
Tại Tây Tạng thì màu và sắc hòa lẫn vào nhau, màu rất nặng, màu đỏ thẫm, màu vàng, đâu đâu cũng 2 loại màu này, cả vàng kim loại lẫn vàng nghệ, lại còn pha thêm màu đen, các ngôi tự viện, âm u, tiếng trống gõ đọc kinh của Mật tông, mùi trầm hương rất nặng của họ, nghệ thuật điêu khắc lẫn nghệ thuật kiến trúc của Tây tạng thật sự khác biệt và làm tôi chụp rất nhiều hình ảnh. Nhất là trong “nội ngày”, Leica Q 28mm Sumilux f1.7 và M8 mark2 50mm Sumicron f2.0 của tôi sử lý quá hiệu quả.
Các ống kính Leica có độ tương phản rất cao. Trong một bức ảnh với dải màu rộng, màu đen nhìn rất giống màu đen và màu trắng nhìn rất giống màu trắng. Điều làm cho Leica trở nên đặc biệt, chính là có khả năng tạo ra Micro contrast rất cao, đó là sự tách biệt giữa các chi tiết chỉ hơi tối hoặc hơi sáng trong những khu vực có sự tương đồng về màu sắc. Nó tạo nên những hiệu ứng 3 chiều rất thật và dễ chịu của hình ảnh. Micro contrast không liên quan đến độ nét ở các chi tiết. Ống kính có Micro contrast cao thường không cần phải lấy nét hoàn toàn chính xác đế bức ảnh đạt độ nét “vừa mắt”. Mức độ Micro contrast thì lại ngược với số lượng thấu kính và thành phần trong mỗi ống kính. Lý do chính là, mỗi thấu kính hay mỗi thành phần thì đều có 2 bề mặt, mỗi bề mặt lại tạo nên những nguồn phản xạ bên trong. Càng ít sự phản xạ thì độ tương phản càng cao, nếu chúng ta sử dụng ống kính đa tiệu cự thì nó có độ tương phản rất là thấp. Cho nên tôi thích Leica, đa số họ làm ống kính Fix, nhỏ nhẹ và chất lượng ảnh rất cao, cộng thêm lớp tráng phủ công thức đặc biệt gì đó để lọc hình ảnh tốt hơn.
Trong các ngôi tự viện thì ánh sáng ở đây thiết kế chủ yếu từ kiến trúc, nên nếu tắt đèn đi thì chụp dễ hơn bởi vì ánh sáng chủ đạo sẽ mềm mại, tương phản cao và đúng góc chụp hơn. Khả năng tạo Micro contrast cao của một ống kính sẽ được tối ưu nhất khi nguồn sáng chủ mềm mại và giàu tính tương phản, đồng thời sự phản xạ nội bộ trong ống kính cũng được tối giản tuyệt đối. Chúng ta thấy một hình ảnh “giống thật” nhất khi có sự hoà hợp về màu sắc và chiều sâu. Điều này thì cảnh sắc của Tây Tạng làm quá tốt, nhất lại là kết hợp với ảnh của Leica, vì nó tái tạo toàn bộ khung hình với dải màu sâu và gần với mắt người nhất.
Nhưng điều thú vị nhất mà những bức ảnh của tôi chụp tại Tây Tạng cũng chính là “Leica Glow”, “Leica glow” giống như một đám mây mờ xung quanh chi tiết highlight, không phải là tính năng mà những kỹ sư của Leica cố tình sản xuất ra và tự hào về nó, đơn giản, nó là những quang sai và hiệu ứng quang học không thể tránh khỏi trong những ống kính khẩu lớn, và thường ở những ống kính góc rộng. Hiệu ứng Glow này mang lại cho ống kính Leica một đặc điểm riêng biệt, trong nhiều trường hợp thì rất hữu dụng.
Như trong tấm hình dưới đây khi tôi sử dụng f1.7 thì các đám mây mờ đã xuất hiện quanh những chi tiết Hightlight, hiệu ứng Glow kết hợp với Micro contrast tạo ra sự khác biệt rất lớn cho những tấm hình của tôi. Nó càng làm tăng sự “ma mị” và ảo giác của Tây Tạng huyền bí, các lạt ma thì nói thế giới tâm linh tại Tây Tạng thì quá rõ ràng.
Những tấm hình này, tôi chụp bằng M8 mark2 50mm Sumicron f2.0, tất cả đều lấy nét tay và ống ngắm Rangefinder, nó làm tăng sự trải nghiệm nhiếp ảnh của tôi hơn. Từ khả năng quan sát và tư duy phát triển vấn đề, tất cả mọi thứ ở Tây Tạng đều diễn ra rất nhanh, tôi phải thực hiện quan sát – chọn góc – bố cục – chỉnh kỹ thuật – bấm máy trong 5 giây. Làm cùng một lúc, phải kiểm soát hoàn toàn khoảnh khắc bấm máy đó. Tôi thích ngắm khuôn hình qua Rangefinder, vì nó không thể hiện Độ sâu trường ảnh (DOF) và độ méo của góc nhìn trên ống kính. Tôi sẽ không bị mất tập trung bởi những hiệu ứng “tiêu cực” của ống kính mà chỉ tập trung vào “nội dung và bố cục” của bức ảnh. Thay vì tập trung vào việc DOF sẽ được tái hiện ra sao, ống kính sẽ cho ra hiệu ứng tiêu cự như thế nào tôi có thời gian hơn tập trung hơn vào nội dung và sự hoà hợp về hình ảnh.
Sự kết hợp của du lịch Ấn Độ – Tây Tạng với Leica cho tôi một cảm giác rất thú vi, nó là câu chuyện của những khuôn hình mà tôi ghi lại được. Một bộ sưu tập mới của tôi về Ấn Độ – Tây Tạng trong hành trình con đường nghệ thuật nhiếp ảnh Zenphotographer. Bộ này của tôi sẽ đủ thời gian chém với 2 gã ở trên tới hết năm nay. Một cảm giác mà tôi khó chịu nhất đó là có máy ảnh mà không được đi chụp ảnh, không được thổi hồn vào những khuôn hình, suốt ngày làm, suốt ngày sắc sắc không không, và nhiếp ảnh chính là lúc tôi thăng hoa cùng những khuôn hình.