Là biểu tượng linh thiêng trong văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa, đặc biệt là ở Tây Tạng, những lá cờ Lungta nhiều sắc màu trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc, luôn xuất hiện trong tầm mắt du khách ở bất cứ nơi đâu người ta đặt chân đến.
Giữa đất trời Tây Tạng bao la, du khách dễ dàng bị thu hút bởi dải Lungta rực rỡ tung bay, nhờ gió mang ước nguyện của chúng sinh đến với Chư Phật. Không chỉ điểm tô sắc màu cho vùng cao nguyên Tây Tạng, cờ Lungta còn là biểu tượng của may mắn, bình an, xua đuổi tà ma, nguyện cầu cho hòa bình và thịnh vượng.
"Lungta" trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là "ngựa gió", là loài vật đại diện cho Tam Bảo và quyền năng của Phật Giáo. Đây cũng là hình ảnh nằm chính giữa trung tâm của lá cờ với bốn góc xung quanh là bốn linh thú: garuda, rồng, hổ và sư tử tuyết. Màu sắc của Lungta là xanh lam, trắng, đỏ, xanh lá cây và vàng, tương ứng với Ngũ trí Phật, cũng tương ứng với năm vị Độ Mẫu chuyên cứu độ loại người. Sự kết hợp hài hòa giữa các màu sắc này không chỉ đẹp mắt mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về sự hài hòa của vũ trụ.
Người Tây Tạng treo Lungta ở những nơi cao và dễ dàng đón gió. Người ta tin rằng khi những ngọn gió thổi đến, lời cầu nguyện và chân ngôn được ghi trên lá cờ sẽ được gió mang đi muôn phương, lan tỏa giá trị tốt lành và hạnh phúc.