Câu chuyện về sự ra đời của cung điện Potala
Cung điện Potala là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới Tây Tạng. Nằm ở trung tâm thủ phủ Lhasa, đây được coi là biểu tượng của Lhasa nói riêng và vùng đất huyền bí Tây Tạng nói chung.
Tọa lạc trên đỉnh Đồi Đỏ (Marpo Ri) phía Tây Bắc của thủ phủ Tây Tạng – Lhasa, cung điện Potala được xây dựng dưới thời vua Tùng Tán Can Bố, vương triều Tupan. Sau khi được xây dựng lại bởi đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, nơi đây trở thành trung tâm hành chính và tôn giáo của Lhasa và Tây Tạng. Cung điện Potala được coi là biểu tượng cho kiến trúc Tây Tạng và lưu giữ rất nhiều châu báu quý giá.
Kết cấu chính của cung điện Potala gồm hai phần: Hồng Cung và Bạch Cung. Bạch Cung là nơi các Đạt Lai Lạt Ma tu tập mỗi độ đông về, còn Hồng Cung là nơi cất giữ xá lợi của các Đạt Lai Lạt Ma. Trong khu vực Hồng Cung có tám tháp chứa xá lợi của các đời Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài ra, các tự viện, miếu mạo cũng được xây dựng ở đây, tạo nên một không gian tôn giáo đặc sắc cho du khách khi khám phá du lịch Tây Tạng.
Trên các bức tường, Phật đường, hành lang ở cung điện Potala, đâu đâu cũng thấy những bức bích họa và phù điêu sặc sỡ. Các tác phẩm này không chỉ miêu tả phong cảnh cao nguyên, truyền thuyết lịch sử, câu chuyện Phật giáo Tây Tạng, mà còn kể lại quá trình xây dựng cung điện Potala. Đây đều là những di sản nghệ thuật và lịch sử quan trọng đối với văn hóa Tây Tạng.
Cung điện Potala còn là nơi cất giữ một lượng lớn các văn vật và báu vật, điển hình như hàng chục nghìn bức Thangka, những tượng Phật được đúc bằng vàng, bạc, ngọc và gỗ. Ngoài ra, còn có các linh tháp của các đời Đạt Lai Lạt Ma, các loại ấn ngọc, con dấu, lễ phẩm và kinh Phật được các nơi cúng dường. Các bảo vật này không chỉ có giá trị tôn giáo mà còn mang giá trị nghệ thuật và lịch sử sâu sắc, giúp cho cung điện Potala trở thành một trong những di tích quan trọng nhất trong hành trình khám phá du lịch Tây Tạng.
“Potala” vốn là tên một ngọn núi ở Ấn Độ, nơi cư ngụ của các vị Bồ Tát. Đầu thế kỉ thứ 7, vua Tùng Tán Can Bố thống nhất Tây Tạng và định đô tại Lhasa, đặt nền móng cho một chính quyền Tupan hùng mạnh. Sau trận Tùng Châu, nhà Đường đại bại dưới tay vương triều Tupan. Năm 641, vua Tùng Tán Cán Bố liên hôn cùng với vương triều Takuli, Nepal và nhà Đường, lấy về hai công chúa là Xích Tôn công chúa và Văn Thành công chúa. Trong hai người, Văn Thành công chúa chỉ là hoàng thân, không phải là nữ tử của Đường Thái Tông.
Để nghênh đón hai công chúa, vua Tùng Tán Cán Bố cho người xây dựng cung điện trên Đồi Đỏ. Tùng Tán Cán Bố được cho là ứng thân đức Quán Thế Âm Bồ Tát, bởi vậy đã dùng từ “Potala” để đặt tên cho cung điện của mình. Sau này, công chúa Xích Tôn là người cho xây dựng Chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple) còn công chúa Văn Thành cho xây dựng chùa Tiểu Chiêu (Ramoche Temple).
Tương truyền, khi Xích Tôn công chúa xây Chùa Đại Chiêu, việc xây dựng liên tục gặp khó khăn do địa thế phong thủy không thuận lợi. Công chúa Văn Thành, người tinh thông phong thủy, đã đưa ra giải pháp di chuyển bức tượng Đức Thích Ca từ Chùa Đại Chiêu về Chùa Tiểu Chiêu và dời bức tượng tạc Đức Thích Ca năm 8 tuổi ở chùa Tiểu Chiêu về chùa Đại Chiêu. Sau đó, việc xây dựng mới có thể hoàn thành suôn sẻ.
Cung điện Potala không chỉ là một công trình kiến trúc hùng vĩ mà còn là biểu tượng tôn giáo linh thiêng của Phật giáo Tây Tạng. Với những câu chuyện lịch sử thú vị, các bảo vật quý giá và kiến trúc độc đáo, cung điện Potala là một điểm đến không thể bỏ lỡ khi bạn đến du lịch Tây Tạng.
Bài viết khác
Quần thể đền thờ hang động Dambulla là một trong những kỳ quan ấn tượng nhất ở Sri Lanka – một ngôi đền Phật giáo được xây dựng hoàn toàn vào hang núi đá đã tồn tại từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng), một vùng đất linh thiêng nằm ở bang Bihar, Ấn Độ, là nơi lưu giữ một trong những biểu tượng quan trọng nhất của Phật giáo: Cây Bồ Đề.
Là biểu tượng linh thiêng trong văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa, đặc biệt là ở Tây Tạng, những lá cờ Lungta nhiều sắc màu trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc, luôn xuất hiện trong tầm mắt du khách ở bất cứ nơi đâu người ta đặt chân đến.
Với thời đại của công nghệ số hóa, thông tin mở, mọi việc đã trở nên đơn giản, và một hành trình tới Tây Tạng không còn khó khăn như trước. Tuy nhiên, trải nghiệm ở Tây Tạng không chỉ là một hành trình với việc ghé thăm các cảnh điểm, chụp những bức ảnh đẹp mà chính là ở những giá trị văn hóa trầm tích bao phủ lên một vùng khí hậu và cảnh quan vô cùng khác biệt.
“Tình ca Khang Định” là một ca khúc dân gian tiêu biểu có nguồn gốc từ vùng Khang Định, Tứ Xuyên. Là một bản tình ca với giai điệu đẹp, chứa đựng nỗi niềm của những người trẻ với khao khát về một tình yêu cao cả, ca khúc đã đón nhận nhiều sự đồng cảm và nhanh chóng được lan truyền trên thế giới. Bài hát đã được NASA chọn là bản nhạc tiêu biểu của Trung Quốc để đưa vào vũ trụ và được UNESCO đề cử là một trong mười bài dân ca có ảnh hưởng nhất thế giới.
Tây Tạng nổi tiếng là vùng đất tâm linh huyền diệu với bề dày văn hóa lịch sử Phật giáo cùng với địa hình, độ cao đặc trưng và những văn hóa mai táng vô cùng độc đáo, đa dạng. Cùng Diamond Tour khám phá văn hóa của người dân Tây Tạng qua bài viết dưới đây.