ẤN ĐỘ – TÂY TẠNG VÀ CÂU CHUYỆN CỦA HÌNH ẢNH

Dưới đây là một câu chuyện hết sức thú vị và đầy mầu sắc mà tôi đã ghi lại được tại Tây Tạng. Tôi là Hoàng Hải, tôi là một Zenphotographer, tôi yêu thích nghệ thuật thị giác và thích tạo ra những hình ảnh đẹp.

Có lẽ hình ảnh “red dot” của Leica đã là biểu tượng cho chất lượng ống kính quang học của người Đức. Có một câu chuyện hư cấu là tại một hội chợ triển lãm các máy ảnh mới của các nhà sản xuất trên thế giới, trên bàn để các mẫu máy ảnh mới đó luôn luôn là “Để chúng tôi có thể hoàn thiện chiếc máy ảnh này tốt hơn, làm ơn hãy cho chúng tôi biết cảm nhận – đánh giá của bạn”, còn trên chiếc bàn của máy ảnh Leica thì một dòng chữ không thể ngắn hơn “Not Comment” và khi nhìn lên slogan của Leica thì chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được sự bạo thủ của người Đức “When you keep being different from everything, changing makes no sense” nghĩa là “khi bạn tiếp tục khác biệt từ mọi thứ, sự thay đổi là không cần thiết”.

Chỉ chừng đó thôi đã lôi cuốn tôi sở hữu những chiếc máy ảnh Leica để thỏa mãn những khuôn hình của mình. Để cho “đẹp trai” nhất, tôi đã chọn một em Leica Q 28mm Sumilux f1.7 và M8 mark II 50mm Sumicron f 2.0, bởi vì vừa có toàn cảnh và cận cảnh. Những ống kính Fix luôn cho ra những tấm hình chất lượng tốt nhất.

Mỗi buổi chiều tà trên con xe Club 49 xanh mà Hợp cho tôi, nó không thể tồi tệ hơn nữa, tôi rong chơi cùng những khuôn hình, đi tới các ngôi tự viện, bảo sái để góp nhặt chút ảnh Phật giáo, hôm sau ra ngồi chém gió với anh Thắng – một tay nhiếp ảnh cừ khôi và anh Hiếu Béo – trùm Leica Hà Nội khoe ảnh. Đi mãi rồi cũng hết chẳng còn gì để chụp thêm, chiếc ổ 2TB Ban truyền thông Phật giáo Bắc Ninh đã đầy, nếu lại sang sân “street life” thì tôi không thể đẹp hơn 2 gã ở trên, phải làm thế nào đây. Ngày nào cũng nghe 2 gã ý chém gió về ảnh, ôi sướng, nhưng mà tôi chả có ảnh để “chém” tiếp

Mưa gió, 2 gã gọi tôi lên café ở chỗ đẹp nhất HN, ngay sát hồ Hoàn Kiếm, 1 bộ ảnh về thành Nam Định quá đẹp với máy M6 film và SL của lão Thắng, gọi người ta đi từ 5h30’ sáng chạy về Nam Định ăn bánh cuốn cà cuống và chụp sáng tinh mơ thành Nam thì ai mà đi được, lóc cóc con xe Club 49 sang Hà Nội từ 5h kém. Thôi thế là hậm hụi ngồi châm diếu Sigar của lão Thắng nghe lão ý bình ảnh thì thôi rồi, bay lên tận trời, anh chụp thế này, anh để khẩu này, anh chụp kiến trúc, anh chụp 1 khu chợ, lão Hiếu Béo thì bọn anh toàn chơi hơn hơn 300k/ cuộn, màu film này đẹp luôn, anh dùng hết M6 tới M10P. Chú thấy thế nào, cứ chú thấy thế nào suốt, lại chú xem được không, tôi tập trung thưởng thức vị ngon của điếu Sigar ông Thắng vừa mới châm. Trong lòng bủn rủn, ngậm ngùi không nói lên lời vì toàn ảnh đẹp. Vì tôi chả có ảnh để cho các anh xem, nên tôi xin phép ra về, ông thắng lại gọi café cho uống bắt ở lại xem tiếp. 2 ông ý cười như Liên Xô được mùa, thằng em ngồi im lặng, không nói lên lời.

Tối về ủ mưu tìm đề tài mới, vẫn là Phật giáo của mình, nhưng làm sao để 2 ông ý hết chém, không biểu diễn trước mặt, thế là điều gì tới cũng phải tới, vì tôi vừa cầu Phật cho tôi được tinh tấn trên con đường tu học để tiếp tục trợ duyên cho Phật Giáo. Ông anh Đạo Liên – một ông anh quý báu làm du lịch Tây tạng tại Hà Nội nhờ 1 chuyến đi Ấn Độ chụp ảnh. Và sẽ cho tôi nợ một chuyến đi Tây Tạng. Thật là trùng hợp vì em đang cạn nguyên liệu. Xách máy lên và đi.

ẤN ĐỘ – TÂY TẠNG VÀ CÂU CHUYỆN CỦA HÌNH ẢNH

Cả Ấn Độ và Tây Tạng đều là những vùng đất có chất liệu quá tuyệt vời cho một thằng như tôi và những chiếc máy ảnh Leica. Nếu chúng ta cầm theo những em Canon hay Nikkon thì nó chưa đủ cảm giác”Phê”, vì sao vậy? Bởi vì cần phải có “Chất Leica”.
Các thấu kính của Leica rất trong và đưa ra hình ảnh sắc nét, giúp máy ảnh không phải xử lý qua chip kỹ thuật số nhiều. Đó chính là lý do các bức ảnh chụp từ Leica của tôi luôn có độ nét cao nhưng vẫn giữ được sự mềm mại, tự nhiên. Các chi tiết ảnh chuyển từ vùng nét sang vùng ngoài nét đều đặn và mượt mà. Còn bức hình chụp từ máy khác cũng đẹp, độ chi tiết cao nhờ cảm biến độ phân giải lớn. Tuy nhiên, các điểm ảnh màu không thật sự tự nhiên trong khi các điểm ảnh ngoài vùng nét không đồng đều và bokeh không thật sự mịn. Nhất lại là tại những vùng đất nhiều chất liệu nội dung như Ấn Độ và Tây Tạng thì chúng ta cần chuẩn bị “thật nét” vì duyên không cho chúng ta thực hiện lần 2.

Tại Bodh Gaya và trên sông Hằng, nơi đây quá đẹp và nổi tiếng trên thế giới, mọi thứ đều hoàn hảo, lần đầu tiên trong đời tôi được rửa mặt bằng nước Sông Hằng – dòng sông linh thiêng của Ấn độ, lần đầu tiên trong đời tôi được đi Kora (nhiễu) 18 vòng quanh Tháp đại giác ngộ, nơi đây hơn 2500 trước Phật đã ngồi thiền dưới cây bồ đề và giác ngộ thành đạo. Chất Leica được tôi tận dụng triệt để trong buổi chiều tại đây. Ánh sáng nó quá đẹp, mọi người quá đẹp để có thể trở thành thực tế. Mọi thứ đều là 5 sao với tôi, tất cả mọi người với niềm tin vô úy, mọi ngôn ngữ trên thế giới, nhưng tôi hiểu tất cả là A di đà phật.

Thầy Chân Tín đang ngồi thiền và có một đoàn tu sĩ Srilanka đang đi nhiễu quanh tháp, làm thế nào để thể hiện được thầy một cách độc đáo, shutter 8 – f 1.7 – iso 200. Tất cả chỉ có 5” để suy nghĩ và bố cục. Một tấm ảnh có vùng chuyển mềm mại và màu sắc thật nổi bật. Cách mà Leica Q tạo ra tấm ảnh này là “phi thực tế”. Bức ảnh có chiều sâu hơn cả thực tế, nó không thật, nó đẹp hơn thực tế. Ví dụ khi chúng ta đeo kính Rayban phân cực khi nhìn lên trời thì sẽ rất là đẹp, như 3D, bỏ kính ra thì trắng xóa. Chúng ta nghĩ xem, nó thật, nó đáng tin bởi vì chúng ta muốn nó đẹp như thế! Chúng ta luôn tìm kiếm cái đẹp, chúng ta muốn mọi sự mọi vật phải đẹp đẽ, vì như vậy thì chúng ta mới có cảm giác dễ chịu. Vậy “đẹp và dễ chịu” trong trường hợp này có ý nghĩa như thế nào? Nó giống như khi chúng đeo kính phân cực, chúng ta dễ dàng nhìn thấy cái đẹp mà không mất nhiều công sức. Như thêm kính lúp để xem những đám mây đó.

(Tác giả: Hoàng Hải – còn nữa)

BÌNH LUẬN

Các bài liên quan