Câu chuyện về sự ra đời của cung điện Potala

Tới Tây Tạng du lịch mà không đi Potala cung thì quả là một sự tiếc nuối lớn. Nằm ở trung tâm thủ phủ Lhasa, đây được coi là biểu tượng của Lhasa nói riêng và mảnh đất huyền bí Tây Tạng nói chung.

Tọa lạc trên đỉnh núi Hồng (MaXiRi) phía Tây Bắc của thủ phủ Tây Tạng – Lhasa, Potala cung vốn được xây dựng dưới thời vua Tùng Tán Cán Bố, vương triều Tupan.

Sau khi được xây dựng lại bởi đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, nơi đây trở thành trung tâm hành chính và trung tâm tôn giáo của Lhasa nói riêng và Tây Tạng nói chung. Cung điện có lưu giữ rất nhiều châu báu, cũng được coi là biểu tượng cho kiến trúc Tạng.

Kết cấu chính của cung điện Potala gồm 2 phần: Một là Hồng Cung, hai là Bạch Cung.

Bạch Cung là nơi các Đạt Lai Lạt Ma tu tập mỗi độ đông về, Hồng Cung là nơi cất giữ xá lợi của các Đạt Lai Lạt Ma. Trong khu vực Hồng cung có tám tháp chứa xá lợi của các đời Đạt Lai Lạt Ma. Ngoài ra, các tự viện, miếu mạo cũng được xây dựng ở đây.

Trên các bức tường của cung điện, Phật đường, hành lang ở cung điện Potala, đâu đâu cũng thấy những bức bích họa, xung quanh còn có các loại phù điêu khác nhau. Màu sắc của phù điêu và bích họa đều rất sặc sỡ với những đề tài phong phú như phong cảnh cao nguyên, truyền thuyết lịch sử, câu chuyện Phật giáo hay miêu tả lại quá trình xây dựng cung điện Potala

Những bức tranh này đều mang giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật quan trọng. Cung điện là nơi cất giữ một lượng lớn các văn vật, các loại châu báu, điển hình như hàng chục nghìn bức Thangka, những tượng Phật được đúc bằng vàng, bạc, ngọc, gỗ có số lượng lên tới vài chục nghìn. Ngoài ra còn có các linh tháp của các đời Đạt Ma, sách từ thời Minh Thanh, ấn ngọc, các loại con dấu, lễ phẩm, kinh Phật là quà tặng của các nơi; những cuốn sách kinh điển, pháp khí, cống phẩm sử dụng trong cung…

“Potala” vốn là tên một ngọn núi ở Ấn Độ, chỉ nơi cư ngụ của các vị Bồ Tát. Đầu thế kỉ thứ 7, Tùng Tán Cán Bố thống nhất Tây Tạng, định đô tại Lhasa, gây dựng chính quyền Tupan hùng mạnh. Sau trận Tùng Châu, nhà Đường đại bại dưới tay vương triều Tupan.

Năm 641, vua Tùng Tán Cán Bố liên hôn cùng với vương triều Takuli, Nepal và nhà Đường, lấy về hai công chúa là Xích Tôn công chúa và Văn Thành công chúa. Trong hai người, Văn Thành công chúa chỉ là hoàng thân, không phải là nữ tử của Đường Thái Tông.

Để nghênh đón hai công chúa, vua Tùng Tán Cán Bố cho người xây dựng cung điện trên núi MaXiRi. Tùng Tán Cán Bố được cho là ứng thân đức Quán Thế Âm Bồ Tát, bởi vậy đã dùng từ “Potala” để đặt tên cho cung điện của mình.

Sau này, công chúa Xích Tôn là người cho xây dựng Chùa Đại Chiêu (Jokhang Temple); còn công chúa Văn Thành là người cho xây dựng chùa Tiểu Chiêu (Ramoche Temple).

Tương truyền, khi Xích Tôn công chúa xây chùa Đại Chiêu, do địa thế phong thủy không tốt, nên việc xây dựng chùa liên tục gặp khó khăn, mãi mà không thành. Lúc này, công chúa Xích Tôn cho vời công chúa Văn Thành – vốn tinh thông phong thủy tới để tìm cách xây dựng chùa.

Văn Thành công chúa sau khi nghiên cứu xong địa thế của chùa Đại Chiêu, quyết định cho người di dời bức tượng tạc Đức Thích Ca năm 12 tuổi* ở chùa này về chùa Tiểu Chiêu, lại dời bức tượng tạc Đức Thích Ca năm 8 tuổi** ở chùa Tiểu Chiêu về chùa Đại Chiêu. Kể từ đó, việc xây dựng chùa Đại Chiêu mới thuận lợi trở lại.

Chú thích: *,** Tương truyền, Đức Thích Ca đương thời đã chứng kiến hình ảnh của hai bức tượng này.

BÌNH LUẬN

Các bài liên quan