Incredible India – The Mountain Man
– Một người đàn ông ít học.
– Một người đàn ông nghèo khó.
– Một người đàn ông bình thường trong vô vàn người bình thường khác.
– Một người đàn ông vì tình yêu đã vượt qua nỗi đau và mất mát to lớn. Ông đã chuyển hóa nỗi đau của cá nhân mình để mang lại hạnh phúc cho cộng đồng.
Ông là người được nhận giải thưởng Padma Shri – một giải thưởng cao quý về những vấn đề an sinh xã hội của chính phủ Ấn Độ năm 2006. Tang lễ ông được tổ chức với nghi lễ cấp Nhà nước tại bang Bihar.
Dashrath Manjhi và di sản mà ông để lại vẫn là một nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với người dân Ấn Độ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Người đàn ông đó tên là Dashrath Manjhi, sinh năm 1934, mất năm 2007, sau này thường được nhắc với cái tên Mountain Man.
Dashrath sinh ra tại làng Gahlour xa xôi, gần quận Gaya bang Bihar – Ấn Độ. Thị trấn chỉ cách ngôi làng của ông khoảng 1km, là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cũng như đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân trong làng. Đó cũng là nơi gần nhất có trường học và trạm y tế. Tuy nhiên, con đường tới thị trấn lại bị chặn bởi một ngọn núi cao sừng sững. Để được chăm sóc y tế hay mua bán nhu yếu phẩm, dân làng phải chọn một trong hai cách: hoặc đi bộ 70km vòng qua ngọn núi, hoặc đi bộ dọc theo một con đường hẹp gồ ghề và nguy hiểm xuyên qua núi.
Ngôi nhà trong ngôi làng nghèo tại Gaya bang Bihar – Ấn Độ
Dashrath có một tuổi thơ nghèo khó, rời khỏi gia đình kiếm sống từ khi còn nhỏ. Khi trưởng thành, ông tới làm việc trong mỏ than Dhanbad và đã phải lòng một cô gái tên là Falguni Devi. Thật tình cờ, cô gái đó chính là người vợ đã được kết hôn trước đó 7 năm của ông, nhưng không được nhà gái giao dâu vì ông là người thất nghiệp và nghèo khó, vì thế lúc kết hôn ông đã không biết mặt vợ mình. Dù khi gặp lại, hai người đã bén nhân duyên, nhưng gia đình nhà vợ vẫn cương quyết không đồng ý. Vượt qua mọi rào cản để đến với nhau, cuối cùng hai người đã về chung một nhà và đón một bé trai. Tới năm 1960, vợ ông, bà Falguni Devi lại mang bầu đứa con thứ hai. Trong cái nắng ở địa phương như thiêu đốt, với cái bụng bầu nặng nề, bà mang cơm ra đồng cho ông như thường lệ. Khi băng qua ngọn núi, bà sơ ý đã trượt chân ngã và bị thương nặng. Nghe tin vợ gặp tai nạn, Dashrath lập tức chạy về, đưa vợ và con đi tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Bế trên tay người vợ đầy máu và đứa con trong bụng, dù rất đau lòng và gấp gáp, nhưng ông không còn cách nào khác là phải chạy bộ quãng đường 70km vòng qua ngọn núi để tới trạm xá. Quãng đường quá xa, lại mất máu quá nhiều, vợ ông đã không qua khỏi khi tới bệnh viện. May mắn thay, đứa con gái của ông cũng kịp chào đời.
Một người dân địa phương đi qua con đường tưởng như mơ trong quá khứ.
Dằn vặt với nỗi đau mất mát, Dashrath nguyền rủa ngọn núi đã cướp đi người vợ ông thương yêu nhất, thề sẽ đánh sập nó mãi mãi. Có lẽ tôi, hay bất cứ ai đều không có lời nào để giải thích về động cơ cho hành động tiếp theo của ông, nhưng tôi nghe nói, cả làng, cả gia đình ông đều bảo ông bị điên. Người đàn ông đã bán đi đàn dê của mình để mua dụng cụ: một cây búa tạ, đục và xà beng, dùng sức người để phá núi. Chỉ có như vậy, ông làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ, đục khoét từng tảng đá vững chãi xuyên qua ngọn núi cao gần 100 mét. Những nỗ lực của ông ban đầu đều không được công nhận. Mặc cho không ít người cười nhạo, ông vẫn kiên trì với công việc của mình. Vượt lên trên cả nỗi đau, ông quyết tâm “xẻ đôi” ngọn núi, tạo một con đường tắt nối liền thị trấn với ngôi làng để sau này không có ai phải chịu đựng sự bất hạnh giống như ông. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khi bị thương bởi những tảng đá rơi từ ngọn núi kiên cố, ông chỉ cần nghỉ ngơi một chút rồi sau đó lại tiếp tục. Có lúc, ông giúp người dân khiêng đồ đạc qua núi với một khoản phí nhỏ, để có tiền nuôi các con ăn học.
Vài năm sau đó, cả vùng đất khô cằn bị hạn hán lớn, người dân địa phương phải bỏ quê đi tìm miền đất khác, bố ông và đại gia đình đều khuyên ông di cư cùng họ, tìm kế sinh nhai để nuôi hai con nhỏ, nhưng ông vẫn cương quyết không rời, dù ở lại phải uống nước bẩn và ăn lá cây dại để tiếp tục công việc. Sự kiên trì của ông dần dần cảm hóa được mọi người. Sau nhiều năm, nhìn thấy cảm thấu được ý nghĩa của những gì mà Dashrath đang làm, một vài người dân đã quay lại giúp đỡ ông hoàn thành nguyện vọng. Từ năm 1960 tới năm 1982, sau 22 năm chỉ với đôi bàn tay và chiếc búa của mình, Dashrath đã hoàn thành một con đường dân sinh xuyên qua núi, rút ngắn quãng đường từ 70km xuống còn khoảng 5km.
Lối vào con đường Dashrath Manjhi – con đường rộng khoảng 9m, dài 110m.
Sau này, báo chí và truyền thông đã tới vì câu chuyện của ông, ông đã chụp ảnh cùng thủ tướng Ấn Độ, chính phủ hỗ trợ ông tiền, hỗ trợ địa phương kinh phí mở đường. Nhưng không may, quan chức địa phương đã biển thủ toàn bộ số tiền đó. Bằng một lời khuyên nào đó, ông quyết định lên New Delhi để gặp ngài thủ tướng, không phải để đòi tiền mà hy vọng sẽ nhận được tiền trợ cấp sửa đường cho địa phương. Thế nhưng, trong túi chỉ có vỏn vẹn 20 rupee, ông đã bị đẩy xuống khỏi tàu. Người dân đề nghị góp tiền để ông đi, nhưng ông từ chối: “Phức tạp quá, tôi sẽ đi bộ cho nhanh.” Và cứ thế đi bộ dọc theo tuyến đường sắt, 17 ngày sau, ông đã có mặt tại thủ đô New Delhi và bày tỏ với thủ tướng về ước mơ của mình.
“Tôi không quan tâm đến những giải thưởng này, sự nổi tiếng hay tiền bạc” – Ông nói. – “Tất cả những gì tôi muốn là một con đường, một trường học và một bệnh viện cho người dân của chúng tôi.”
Đường Dashrath Manjhi thu ngắn khoảng cách từ ngôi làng nghèo khó với thị trấn, trạm xá và trường học.
“Tôi bắt đầu công việc này vì tình yêu dành cho vợ mình, nhưng vẫn tiếp tục kiên trì với nó vì người dân của tôi. Nếu tôi không làm, thì sẽ không có ai cả.” – Dashrath Manjhi.
Năm 2007, Manjhi qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 73. Thủ hiến bang Bihar đã tổ chức tang lễ cấp nhà nước cho ông. Tuy không nhận được sự vinh danh dân sự cao nhất của quốc gia công nhận “sự phục vụ đặc biệt” của ông đối với cộng đồng, nhưng Dashrath Manjhi và di sản mà ông để lại vẫn là một nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với người dân Ấn Độ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Ý chí mạnh mẽ và quyết tâm vững vàng của ông để tạo nên giá trị khác biệt, tạo nên sự thay đổi tiến bộ có khi đối với cả một đời người, đã vun đắp nghị lực cho những thế hệ sau này, tự mình “di chuyển những ngọn núi của chính mình”, sống một cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
Con đường Dashrath Manjhi ngày nay – sự xúc động và phấn khích của các thành viên Diamondtour khi tự mình đặt chân lên con đường kỳ lạ này.
Con đường Dashrath Manjhi ngày nay – sự xúc động và phấn khích của các thành viên Diamondtour khi tự mình đặt chân lên con đường kỳ lạ này.
BÌNH LUẬN